Một ngày của bé ở trường mầm non Hùng An diễn ra những gì?
Trẻ em mỗi ngày đến trường là một ngày vui, các trẻ sẽ được lĩnh hội nhiều kiến thức lĩnh vực khác nhau giúp các trẻ phát triển. Lĩnh hội được những kiến thức như kỹ năng sống, kỹ năng phát triển tư duy cho trẻ nhỏ, phát triển tình cảm, những kinh nghiệm về xã hội ngoài đời thực. Để làm tốt những công việc đơn giản hàng ngày trong chế độ sinh hoạt của trẻ mầm non, các giáo viên phải đảm nhiệm đủ cả 4 vai trò quan trọng: Người mẹ hiền,; Cô giáo giỏi; Thầy thuốc tốt và Người nghệ sỹ tài năng. Tại trường mầm non, việc phải chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ nhỏ là nhiệm vụ cần phải thực hiện để trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ và lao động.
Chắc chắn khi các bậc phụ huynh đưa con đến trường không khỏi quan tâm lo lắng rằng “Ở trường con mình được cô giáo dạy dỗ như thế nào? Được học, được chơi gì? Ăn, ngủ ra sao?”
"Trường mầm non Hùng An” Đây là ngôi nhà thân yêu thứ hai của trẻ, hàng ngày bé đến trường từ 7h sáng đến 17h chiều. Trong suốt thời gian này, bé nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của các cô giáo bằng các hoạt động: Vui chơi, học tập và được rèn các nề nếp, thói quen một cách nhịp nhàng mang tính khoa học cao, phù hợp với lứa tuổi mầm non. Đảm bảo theo đúng chương trình của Bộ giáo dục và đào tạo quy định.
Ở trường mầm non, trẻ sẽ được rèn khả năng phát triển, hình thành các kỹ năng sống, phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển thẩm mỹ, phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội,
Các bậc phụ huynh của trường nếu dành thời gian để quan tâm đến chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ ở trường, thì mới thấy được các con đã được học tập, vui chơi, ăn, ngủ nề nếp và khoa học như thế nào? Các cô giáo mầm non vất vả ra sao? Để làm được tốt công việc một ngày ở trường với 30 đến 35 trẻ một lớp thì cần phải có tình yêu với nghề, tâm huyết với công việc, yêu thương trẻ thật sự, coi trẻ như những đứa con của mình ở nhà.
Một ngày ở trường, các bé được tham gia vào rất nhiều các hoạt động, các bé được học thông qua việc chơi, giao tiếp và các việc làm phù hợp với lứa tuổi dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Trong suốt thời gian này bé được các cô giáo chăm sóc và tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, rèn nề nếp một cách nhịp nhàng, phù hợp, đảm bảo đúng theo chương trình giáo dục mầm non mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Một ngày ở trường các bé được tham gia những hoạt động nào? Sau đây mời các bậc phụ huynh, quý bạn đọc cùng tìm hiểu!
1. Hoạt động đón trẻ
Công tác đón trẻ là một trong những nhiệm vụ được coi là quan trọng trong các hoạt động trong ngày vì đó là thời điểm mà giữa cô giáo và phụ huynh có thể trao đổi những thông tin cần thiết của trẻ để cô giáo nắm bắt được đặc điểm của từng trẻ trong ngày, đồng thời đó cũng là thời điểm để cô quan sát rõ nhất về những biểu hiện rõ nét của trẻ như các viết xước, viết cào, viết bầm tím, hay những biểu hiện mệt mỏi và đặc biệt cô có thể phát hiện những biểu hiện của các bệnh như: Thủy đậu, đau mắt,… để cô giáo trao đổi luôn với phụ huynh tránh việc không biết rõ tình trạng sức khỏe của trẻ dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi nhất để cô giáo trao đổi với phụ huynh những kiến thức cơ bản về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Để công tác đón trẻ đạt được hiệu quả, giáo viên Trường mầm non Hùng An thường chú ý một số điểm sau:
* Đón trẻ
- Giáo viên đón trẻ luôn nhẹ nhàng với phụ huynh, ân cần với trẻ.
- Đón trẻ ở cửa lớp.
- Quan sát nhanh biểu hiện của trẻ, nếu trẻ có biểu hiện khác thường sẽ trao đổi trực tiếp với phụ huynh để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
- Trao đổi nhanh với phụ huynh về tình hình của trẻ, chú ý thông báo kết quả cân đo sức khỏe cho phụ huynh, đặc biệt là trẻ SDD thể nhẹ cân và SDD thể thấp còi để cùng kết hợp chăm sóc trẻ.
- Trao đổi nhanh với phụ huynh về trang phục của trẻ khi đến lớp (tránh trường hợp trẻ mặc quá mỏng manh vào những hôm trời lạnh)
- Nhắc nhở nhẹ nhàng nếu có trường hợp trẻ mang tiền, đồ chơi, bánh kẹo đến lớp.
2. Hoạt động thể dục buổi sáng
Giờ thể dục buổi sáng hàng ngày có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Tập luyện thể dục buổi sáng sẽ nâng cao hoạt động của các cơ quan của cơ thể, thúc đẩy sự phát triển những kỹ năng vận động cần thiết, củng cố các nhóm cơ, hình thành tư thế đúng đắn. Buổi sáng khi đến trường trẻ được tập bài thể dục, trẻ sẽ cảm thấy sảng khoái, giúp cho các hoạt động trong ngày của trẻ được tốt hơn.
Vào mỗi buổi sáng, tất cả các bé trường Mầm non Hùng An lại háo hức và mong chờ đến hoạt động thể dục sáng. Các bé được các cô đưa ra sân tập thể dục buổi sáng trong tiếng nhạc rộn ràng. Khi tiếng nhạc vang lên bé nào cũng nhanh nhẹn chuẩn bị đồ dùng để ra tập thể dục. Các bé nối theo nhau như những đoàn tàu dài cùng các cô giáo ra sân tập thể dục buổi sáng trong tiếng nhạc rộn ràng.
Nhìn các bé với vẻ mặt thật háo hức khi cầm những dụng cụ tập trên tay và tập các động tác của bài tập thể dục sáng gồm: Hô hấp, động tác tay-vai, động tác chân, động tác bụng-lườn.
Bé nào cũng cố tập thật đẹp, đúng các động tác cùng với các cô giáo hướng dẫn của lớp mình. Sau đây là một số hình ảnh rất đáng yêu của các bé trường mầm non Hùng An
3. Hoạt động học
Điểm danh trẻ đi lớp
Là thời điểm quan trọng nhất trong một ngày sinh hoạt của bé ở trường. Đây là hoạt động học mà chơi, chơi mà học. Cô cung cấp cho bé những kiến thức mới ở các bộ môn làm quen trong chương trình GDMN, thực hiện theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/4/2021 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào Tạo ban hành chương trình giáo dục Mầm non như hoạt động làm quen với toán học góp phần phát triển toàn diện cho trẻ: Phát triển trí tuệ, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, góp phần hình thành khả năng nhận thức thế giới xung quanh trẻ, rèn luyện các thao tác tư duy, phát triển, thúc đẩy các quá trình tâm lý và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Hoạt động tạo hình: Cô dạy bé cách cầm bút, sửa tư thế ngồi, uốn nắn từng nét vẽ, cách tô màu, chọn màu phù hợp…Hoặc giờ: Bé làm quen với toán bé được đếm, tách, gộp các nhóm đối tượng theo các cách khác nhau…
Việc dạy học trong các hoạt động học có một ý nghĩa quan trọng đối với việc làm nảy sinh các yếu tố học tập ở trẻ mẫu giáo. Khác với "giờ học" ở trường phổ thông, " hoạt động học" ở trường mầm non được tổ chức linh hoạt hơn, mang tính tổng hợp hơn, khái quát hơn trong đó trò chơi học tập giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Trong "hoạt động học", chủ yếu là thông qua các trò chơi học tập, niềm hứng thú đối với các lĩnh vực tự nhiên và xã hội có khả năng xuất hiện ở hầu hết trẻ mẫu giáo. Ở trường mầm non, các cô giáo đã dạy trẻ những tri thức mang tính khái quát, tổng hợp, hệ thống nhất định trong khả năng nhận thức của độ tuổi, trong đó những quan hệ chủ yếu của các hiện tượng vốn có ở mỗi lĩnh vực trong hiện thực được bộc lộ trước trẻ em với phương châm: Mắt thấy, tai nghe, tay cầm nắm... Cùng với trò chơi, "hoạt động học" còn giúp trẻ hình thành những kỹ năng ban đầu của học tập và là nền tảng chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.
4. Hoạt động góc
Đồ chơi là nhu cầu tự nhiên không thể thiếu đối với cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền để mua hoặc mua được hết đồ chơi cho trẻ, để thoả mãn hoạt động vui chơi của trẻ chúng ta có thể tự làm lấy đồ chơi cho trẻ. Ở trường mầm non muốn trẻ phát triển tốt thì cô giáo phải là người thể hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của mình luôn linh động sáng tạo giúp trẻ thông qua chơi mà học, bằng cách thông qua giờ “Hoạt động góc”. Trong quá trình giáo dục trẻ nói chung, tổ chức cho trẻ chơi nói riêng giáo viên cần phải biết dạy cho trẻ chơi cái gì? Chơi như thể nào để đem lại kiến thức phục vụ cho hoạt động học, phục vụ cho sự phát triển tư duy của trẻ, vì vậy đồ chơi càng phong phú bao nhiêu thì càng kích thích sự hứng thú và tạo sự ham muốn được khám phá mở mang kiến thức về thế giới xung quanh ở trẻ bấy nhiêu. Từ những thực tế mà tôi đã thể hiện ở lớp, việc cho trẻ hoạt động góc từ các đồ dùng, đồ chơi tôi đã nhận thấy được rằng việc thực hiện hoạt động góc không phải để cho trẻ chơi không, mà còn giúp trẻ phát triển toàn diện trong các lĩnh vực ngôn ngữ, thẩm mỹ, thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội.
Trẻ chơi chủ yếu do nhu cầu và khả năng của trẻ, nhu cầu muốn bắt chước, muốn làm người lớn, nhưng khả năng và sức lực của trẻ chưa đủ để làm người lớn do đó trẻ giải tỏa nhu cầu đó dưới hình thức là hoạt động góc:
Góc phân vai; Góc xây dựng; Góc học tập; Góc vận động; Góc nghệ thuật; Góc thiên nhiên
Chúng tham gia vào xã hội người lớn theo cách riêng của mình chúng tưởng tượng mình là người lớn và cũng đóng một cương vị xã hội như Cô giáo, bác sỹ, chú công nhân, cô bán hàng…với vai trò đó chúng tái tạo lại cuộc sống của người lớn một cách tổng quát trong hoàn cảnh tưởng tượng vì chơi của trẻ không phải thật mà là giả vờ, nhưng sự giả vờ ấy lại mang tính chất rất thật.
Ví dụ: Góc xây dựng: Trẻ giả vờ đống vai chú công nhân, những việc làm của trẻ thể hiện rất cần cù, cặm cụi làm công việc của người công nhân đồng thời trẻ biết hợp tác với nhau để thực hiện một công việc được giao.
Góc góc phân vai: trẻ giả vờ đóng vai bác sỹ trẻ thể hiện là một bác sỹ tốt hết lòng chăm sóc bệnh nhân của mình, nhưng hoạt động của trẻ không nhằm đến mục đích cuối cùng là chửa khỏi bệnh cho bệnh nhân mà chỉ để thỏa mản nhu cấu của trẻ tham gia vào xã hội người lớn.
Góc học tập: trẻ tái tạo lại những gì đã được cô dạy trẻ trên tiết học nhằm tạo cho trẻ sự ghi nhớ vững bền hơn. Và tư duy trừu tượng phát triển kèm theo tư duy logic, tư duy ngôn ngữ cũng phát triển.
Như vậy giờ hoạt động góc được phát triển và mở rộng theo sự phong phú và mở rộng các mối quan hệ qua lại của trẻ với môi trường xung quanh, phản ảnh sáng tạo độc đáo sự tác động qua lại giữa trẻ với môi trường xung quanh một cách tích cực, tự lực tự nguyện và tự tin.
5. Hoạt động ngoài trời
Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo, thông qua hoạt động vui chơi trẻ được ‘‘Học mà chơi - Chơi mà học’’. Đặc biệt hoạt động ngoài trời là một trong những hoạt động vui chơi mà trẻ hứng thú nhất, mang lại cho trẻ nhiều niềm vui và kiến thức cần thiết về thế giới xung quanh.
Hoạt động ngoài trời gồm hoạt động chủ đích và các trò chơi vận động có luật, trò chơi tự do xen kẽ động, tĩnh, nhằm giúp trẻ nhận biết, làm quen với môi trường cuộc sống xung quanh. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời, trẻ đùa nghịch, leo trèo, cười nói, chạy nhảy…thực chất là trẻ khám phá, học hỏi có điều kiện phát triển tốt nhất những cảm xúc tích cực của mình. Các hoạt động này giúp trẻ phát triển về mặt thể chất, vận động giúp trẻ tiêu hao năng lượng, trẻ sẽ ăn ngủ ngon hơn, việc chạy nhảy, vui đùa, hít thở không khí trong lành, giúp đầu óc trẻ thoải mái, giúp trẻ sáng tạo, tiếp thu hiệu quả kiến thức, kỹ năng khác
Hoạt động vui chơi ngoài trời là khoảng thời gian vô cùng quý giá đối với sự phát triển của trẻ mà ít thời điểm sinh hoạt nào khác có thể so sánh được. Chơi ngoài trời là khoảng thời gian trẻ được thỏa mãn thực hiện các vận động giải phóng năng lượng. Không gian chơi ngoài trời có rất nhiều lợi thế cho việc tổ chức các hoạt động đa dạng, tích cực của trẻ mà điều kiện trong phòng không thể đáp ứng được.
Với hình thức tổ chức môi trường học tập “lấy trẻ làm trung tâm” những giờ hoạt động ngoài trời, dưới sự hướng dẫn của các cô, trẻ luôn có cảm giác gần gũi, như được hòa mình với thiên nhiên cỏ cây, hoa lá, gió và cát …bên cạnh những trò chơi vận động những trò chơi dân gian như: Lộn cầu vồng, nu na nu nống, mèo đuổi chuột, bánh xe quay… trẻ được tự do chơi các trò chơi ngoài trời như chơi cầu trượt, xích đu, thú nhún, đá bóng… được tự do thể hiện kỹ năng tạo hình: cắt, dán, vẽ… từ những nguyên liệu thiên nhiên trẻ thu lượm như: lá cây, sỏi, cát…được làm những gì mình thích ngay tại chính ngôi trường thân yêu của mình. Chính vì vậy hoạt động ngoài trời là một hoạt động cần thiết không thể thiếu đối với các bé ở trường mầm non Hùng An.
Thông qua hoạt động vui chơi ngoài trời trẻ phát triển trí tuệ, thể chất, tình cảm quan hệ xã hội qua đó nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ.
6. Hoạt động vệ sinh cá nhân trước khi vào bữa ăn
Thời điểm này bé được rèn luyện các kỹ năng vệ sinh cá nhân và lao động tự phục vụ.
7. Hoạt động ăn bữa chính
Giáo viên cho trẻ vào bàn ngồi ăn cơm, giáo viên luôn nhắc trẻ ngồi ăn ngay ngắn không đùa dở trong giờ ăn, ăn hết phần ăn. Ăn sau cho không làm rơi cơm xuống đất.
8. Hoạt động ngủ trưa
Ở trường mầm non việc tổ chức giấc ngủ trưa cho trẻ là rất quan trọng và cần thiết, bình thường trẻ ngủ đủ thời gian khoảng 150 phút thì tinh thần luôn sảng khoái khỏe mạnh cơ thể phát triển tốt. Với những trẻ ngủ ít thường có sự mệt mỏi không thích tham gia vào các hoạt động vui chơi và học tập. Vì vậy ở trường mầm non Hùng An, chúng tôi đã làm tốt những nhiệm vụ tổ chức giờ ngủ cho trẻ như sau:
Trước khi cho trẻ ngủ: Cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh trước khi ngủ.
Cô sắp xếp phòng ngủ gọn gàng sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, phòng ngủ đóng cửa sổ, kéo kín rèm 1 số cửa, tắt điện. Cô hướng dẫn trẻ trải niệm của mình trải ngay ngắn, tạo cho trẻ có thói quen tốt tự phục vụ bản thân.
Trong khi trẻ ngủ: Để trẻ có giấc ngủ ngon, ngủ đúng giờ và ngủ sâu giấc. Cô mở nhạc những bài hát ru, dân ca êm dịu cho trẻ nghe, với những trẻ khó ngủ, ngủ ít cô gần gũi, cô nằm ôm trẻ vỗ về trẻ giúp trẻ dễ ngủ hơn. Trong giờ ngủ cô quan sát theo dõi kịp thời xử lý những tình huống có thể xảy ra.
Sau giờ ngủ: Trẻ nào thức dậy trước cô cho dậy trước, không đánh thức trẻ, cô kéo rèm từ từ, bật điện để trẻ tự dậy, sau khi trẻ dậy cô cho trẻ tập 1 số động tác nhẹ nhàng, cô cho trẻ xếp niệm lại và đưa vào tủ hay kệ gọn gàn ngăn nắp sau đó cô chải tóc buộc ngọn ngàng cho từng trẻ.
Giờ ngủ trưa của trẻ có tác dụng rất lớn, trẻ được nghỉ ngơi một cách đầy đủ, tạo điều kiện tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể, trẻ thoải mái khỏe mạnh, giúp trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động vui chơi, học tập hàng ngày.
9. Hoạt động ăn bữa phụ
Bữa ăn phụ rất quan trọng trong thực đơn dinh dưỡng đối với quá trình phát triển của trẻ. Ngoài ra, bữa ăn phụ còn giúp tăng cường dinh dưỡng cho bé, đặc biệt ở những trẻ chậm tăng cân hay suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, thể tích dạ dày của bé còn nhỏ, không thể nạp được nhu cầu thực ăn lớn, vì vậy việc chia nhỏ bữa ăn lớn thành các bữa ăn nhỏ sẽ giúp cho quá trình hấp thu được tốt hơn. Vậy cha mẹ cần lưu ý những gì khi cho bé ăn bữa phụ
10. Hoạt động chiều
Cô và trẻ ôn lại một số bài hát, múa, thơi truyện hoặc các trò chơi, cho trẻ chơi tự do ngoài vườn cổ tích, khu vui chơi phát triển vận động.
11. Hoạt động vệ sinh và trả trẻ
* Trả trẻ
- Trước giờ trả trẻ giáo viên nhắc trẻ vệ sinh sạch sẽ, giúp trẻ buộc lại tóc, chỉnh đốn quần áo cho một số trẻ nếu không được gọn gàng.
- Khi phụ huynh đón trẻ giáo viên chú ý nhắc trẻ lấy đúng và lấy hết đồ dùng cá nhân của trẻ để tránh nhầm lẫn.
- Giáo viên sẽ trao đổi nhanh với phụ huynh về tình hình trong ngày của trẻ về các biểu hiện đặc biệt ở các hoạt động cụ thể như: Trong hoạt động học, giờ ăn, giờ ngủ.
- Giáo viên thường xuyên quan sát và nắm rõ số trẻ về và trẻ còn trong lớp để đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Khi hết giờ và hết trẻ giáo viên kiểm tra lại xung quanh lớp xem có gì khác thường không, nếu không thì thu dọn đồ dùng và tắt hết điện và đóng khóa lớp cẩn thận trước khi ra về.
Trẻ háo hức gặp lại bố, mẹ và những người thân của mình. Đây là thời điểm phụ huynh cần trao đổi thông tin với cô giáo để năm bắt tình hình sinh hoạt của trẻ trong ngày ở trường, lớp.
Sau một ngày trẻ đến trường, trẻ được lĩnh hội các kỹ năng sống, phát triển tình cảm, những kinh nghiệm xã hội, nuôi dưỡng sự phát triển trí tuệ và lĩnh hội các kiến thức. Với chế độ sinh hoạt của bé hàng ngày, cùng với những công việc tưởng như đơn giản nhưng thực tế để làm tốt được những công việc đó các cô giáo mầm non phải có đủ cả 4 vai trò “Người mẹ hiền - Cô giáo giỏi - Thầy thuốc tốt - Người nghệ sỹ tài năng”. Bởi ở trường mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục để trẻ phát triển một cách toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ và lao động.
Để đảm bảo “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” tập thể sư phạm nhà trường đã không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và chất lượng đội ngũ nhà giáo góp phần phát triển giáo dục toàn diện cho trẻ trong nhà trường.
Qua bài viết này tôi mong rằng các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về vai trò của giáo dục mầm non nói chung và công tác chăm sóc giáo dục trẻ của Trường mầm non Hùng An nói riêng. Phụ huynh hãy cho con em mình đến trường để vui chơi và học tập theo độ tuổi giúp trẻ một cách toàn diện nhất.