Tại sao cần “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm”
Xây dựng “Trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục đang đặt ra, đòi hỏi từ lãnh đạo, giáo viên đến học sinh đều phải phấn đấu chuyển biến.
Xây dựng “Trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ em làm trung tâm” gắn kết với việc nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025” là nhiệm vụ nhà trường cần thực hiện trong năm học 2024 - 2025.
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học, Trường mầm non Hùng An tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm”. Vậy tại sao giáo dục chúng ta cần phải “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm”?
“Trường mầm non hạnh phúc” là trường mầm non tạo ra một môi trường phát triển toàn diện và kích thích hứng thú học tập, vui chơi cho trẻ. Trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển toàn diện cho trẻ, cụ thể:
Là nơi trẻ được là “trung tâm”, trẻ được yêu thương, hạnh phúc. Trẻ có tâm lý tích cực, dễ dàng tiếp thu kiến thức; hợp tác với cô giáo và các bạn. Trẻ tự do sáng tạo, bộc lộ suy nghĩ, tính cách của bản thân. Trẻ vui vẻ, tự tin, năng động, hứng thú mỗi khi đến trường. Là nơi cô giáo được trân trọng, tin tưởng, cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến lớp; Làm việc bằng tình yêu thương với trẻ, nhiệt huyết với nghề và trách nhiệm với nhà trường. Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm giúp mỗi đứa trẻ đều có cơ hội tốt nhất để thành công, đều có các cơ hội để học bằng nhiều cách khác nhau, kể cả thông qua vui chơi.
Môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm: Là môi trường hoạt động mà trẻ tham gia hoạt động cùng giáo viên: bổ sung thêm học liệu, đồ chơi; sắp xếp và vệ sinh góc hoạt động... Phong phú các góc hoạt động trong lớp và ngoài trời, học liệu đa dạng, hấp dẫn, khuyến khích trẻ có thể sử dụng theo nhiều cách sáng tạo khác nhau. Tận dụng nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, có nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn học liệu và hoạt động. Giáo viên trò chuyện và chơi với trẻ, kích thích trẻ tư duy để trẻ có thể chủ động tích cực.
Giúp trẻ phát triển kỹ năng thể chất: Trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm đặc biệt chú trọng vào việc phát triển kỹ năng thể chất cho trẻ. Thông qua các hoạt động thể dục, chơi nhảy và các trò chơi ngoài trời, trẻ được khuyến khích rèn luyện sự cân bằng, linh hoạt và khéo léo.
Phát triển kỹ năng tư duy nghệ thuật và sáng tạo: Trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm khuyến khích trẻ phát triển kỹ năng nghệ thuật và sáng tạo thông qua các hoạt động vẽ, tạo hình, nhảy múa và biểu diễn. Trẻ được khuyến khích tự do tỏa sáng và thể hiện bản thân thông qua nghệ thuật…
Như vậy, trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là một môi trường giáo dục toàn diện, giúp trẻ phát triển các khả năng về tư duy, ngôn ngữ, giao tiếp, thể chất, nghệ thuật và sáng tạo, ở đó giáo viên là người hướng dẫn trẻ.
Để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng môi trường hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc. Để làm được điều này, đòi hỏi ở mỗi lĩnh vực: chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ các cô giáo cần chủ động đổi mới phương pháp giáo dục mầm non theo hướng tích hợp lấy trẻ làm trung tâm của hoạt động, khắc phục phương pháp dạy gò bó áp đặt, không chú ý đến giáo dục cá thể. Các cô giáo cần mạnh dạn áp dụng và lồng ghép các yếu tố STEAM vào các hoạt động giáo dục để tạo cơ hội giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sự sáng tạo, kỹ năng hợp tác nhóm, kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ...
“Lớp chúng mình rất rất vui” là một tiêu chí để khi tổ chức các hoạt động cho trẻ, giáo viên trường mầm non Hùng An luôn mong muốn đạt được! Phải làm sao cho trẻ luôn mến bạn, yêu cô và mong chờ được đến lớp hàng ngày. “Thầy cô hạnh phúc sẽ làm thay đổi cả thế giới”(ST). Chính vì vậy, ngay từ những hoạt động đầu tiên của mỗi buổi sáng, giáo viên cần tạo cho trẻ cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc như: chào hỏi cô giáo và các bạn; chia sẻ, quan tâm lẫn nhau; các trò chơi gắn kết, cùng nhau đưa ra thông điệp sáng... Các cô giáo không chỉ hiểu trẻ muốn gì, khả năng của trẻ ra sao mà luôn tạo cơ hội, khuyến khích trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi, tìm tòi, khám phá; giáo dục trẻ các hành vi văn minh, lễ phép trong giao tiếp ứng xử.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đó chính là một trong những tiêu chí quan trọng mà tất cả các trường học đều đang hướng đến. Để thực hiện được tiêu chí này thì trường học đó phải là một ngôi trường hạnh phúc. Trường học hạnh phúc nói chung, lớp học hạnh phúc nói riêng là nơi trẻ được yêu thương, được an toàn và được tôn trọng. Lớp học hạnh phúc là điểm đến thân thiện và yêu thích của trẻ, là môi trường giáo dục tạo được tâm lý thoải mái cho trẻ, trẻ được tự do sáng tạo, bộc lộ suy nghĩ, tính cách của bản thân, vui vẻ, tự tin, năng động mỗi khi đến lớp.
Hướng đến ngôi trường hạnh phúc - “nụ cười của bé, hạnh phúc của cô” là phương châm luôn được nhà trường định hướng và xây dựng. Các cô giáo luôn cố gắng nỗ lực thay đổi từng ngày để hoàn thiện hơn từ những điều nhỏ nhất với mong muốn mang lại những cảm xúc tích cực, vui vẻ cho học trò của mình.